Cao su Đồng Phú tiếp tục triển khai chế độ cạo D4
CSVNO – Đó là khẳng định của TGĐ Công ty CP Cao su Đồng Phú Nguyễn Thanh Hải tại Hội thảo công tác sản xuất nông nghiệp và lễ ký kết giao ước thi đua năm 2015, tổ chức sáng ngày 25/5.
Tham dự Hội thảo có Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp, ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Cao su VN, ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn và đại diện 6 nông trường trực thuộc Công ty CP Cao su Đồng Phú.
Tại Hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuấn – Phó phòng (phụ trách Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp) Công ty đã báo cáo tổng kết và đánh giá công tác nông nghiệp năm 2014.
Về công tác tái canh, năm 2014 Cao su Đồng Phú đã thực hiện tốt các khâu chuẩn bị cây giống. Tăng cường cơ cấu giống dòng vô tính cho năng suất cao như PB 255, RRIV 106…; chủ động hạt cỏ và trồng sớm nên thảm phủ sinh trưởng tốt, độ che phủ cao, đủ sinh khối cho việc tủ bồn giữ ẩm cuối năm. Đặc biệt, với thời tiết thuận lợi nên vườn cây sinh trưởng tốt mặc dù một số diện tích trồng trễ hơn so với năm 2013.
Về công tác khai thác mủ, mặc dù bị bệnh phấn trắng nặng nhưng do thời gian khởi cạo trễ, bộ lá phục hồi tốt; mùa mưa kéo dài và hàm lượng mưa không tập trung nên lượng mủ tạp thu được khá cao (4.430 tấn, chiếm 26,17% /tổng sản lượng).
Bên cạnh đó Công ty đã phối hợp tốt với bộ môn Sinh lý khai thác (Viện nghiên cứu Cao su VN) quy hoạch vỏ cạo ngay từ đầu năm, chủ động điều chỉnh mặt cạo hợp lý. Đặc biệt, trên diện tích có kế hoạch thanh lý tái canh trồng mới, Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp đã chủ động với bộ môn Sinh lý khai thác, tập trung chỉ đạo quyết liệt các nông trường tích cực tận thu sản lượng nhưng vẫn giữ đúng kỹ thuật khai thác; điều chỉnh kịp thời chế độ cạo, chế độ kích thích, số cây cạo/phần. Từ đó người công nhân cạo nhẹ nhàng hơn, thu được sản lượng cao hơn.
Cũng tại đây, ông Trần Vĩnh Tuấn nhấn mạnh: “Qua theo dõi, diện tích cạo chế độ D4 cho thấy ngày càng có ưu thế hơn so với chế độ cạo D3 trên những giống mới năng suất cao như hiện nay”.
Xoay quanh nội dung Hội thảo công tác sản xuất nông nghiệp, các đại biểu đã báo cáo và thảo luận các chuyên đề chuyên sâu như: “Hiệu quả kinh tế kỹ thuật trong ứng dụng nhịp độ thấp D4 ở miệng cạo ngửa tại Cao su Đồng Phú”, “Công tác phòng trị bệnh” (Phòng KTNN, Công ty CP Cao su Đồng Phú); “Tăng năng suất lao động thông qua chế độ cạo nhịp độ thấp D4, D5 trên dòng vô tính PB 235, VM515″ của Viện nghiên cứu Cao su VN; “Kinh nghiệm trong công tác phòng trị bệnh Corynespora, Botryodiplodia, phấn trắng” của NT An Bình; “Kinh nghiệm trong công tác tỉa chồi, chỉnh tán trên vườn cây tái canh trồng mới, KTCB, kinh doanh” của NT Tân Thành; “So sánh hiệu quả sử dụng của 2 loại máng chắn nước mưa (máng xốp, máng giấy dầu)” của NT Thuận Phú; “Kinh nghiệm trong công tác thảm phủ Mucuna bracteata xen đậu Kudzu” của NT Tân Lập và NT Thuận Phú.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban QLKT VRG Lại Văn Lâm đánh giá: Cao su Đồng Phú là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Lâm cũng kiến nghị, trong năm nay công ty cần phải chuẩn bị bộ giống tốt theo cơ cấu giống mới của VRG. Đặc biệt nên chon các loại giống ít bị bệnh nhất.
Về chế độ cạo D4, đã chứng minh những ưu điểm là giảm nhịp độ cạo, tăng năng suất lao động, đồng thời đối phó với thực trạng cạnh tranh lao động với các khu công nghiệp cũng như chi phí lao động sống ngày càng tăng cao.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cao su Đỗ Kim Thành phân tích thêm: Năm 2014 Công ty CP Cao su Đồng Phú Cạo D4 triển khai với diện tích lớn nhất trong các đơn vị trực thuộc VRG. Và dựa trên những thông số đã có thì năng suất lao động tăng từ 6,824 tấn/ha/năm (cạo D3) lên trên 8 tấn/ha/năm (cạo D4) đồng thời giảm giá thành được 580 ngàn đồng/tấn sản phẩm.